Phiên họp thứ 2 Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025
Phiên họp được tổ chức trực tuyến đến 63 tỉnh, thành phố vào chiều ngày 18/10/2022. Tại điểm cầu Chính phủ có thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc giagiai đoạn 2021 - 2025.

Dự tại điểm cầu tỉnh Lào Cai có đồng chí Hoàng Quốc Khánh, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố.

Đại biểu tỉnh Lào Cai dự phiên họp.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến nay có 68/73 văn bản quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia được ban hành, đạt 93% nhiệm vụ giao. Có 63/63 địa phương đã kiện toàn Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, 27/63 địa phương có quy định về thành lập Ban Chỉ đạo cấp huyện, 13/63 địa phương hoàn thành việc kiện toàn, thành lập các ban quản lý cấp xã. 52/52 địa phương được phân bổ ngân sách trung ương đã ban hành quy định về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn để thực hiện chương trình; 14/52 địa phương đã ban hành quy định về cơ chế lồng ghép nguồn vốn; 09/52 địa phương đã ban hành quy định phân cấp quản lý, tổ chức thực hiện và văn bản quy định thực hiện cơ chế đặc thù trong quản lý đầu tư đối với dự án quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp; 06/52 địa phương đã ban hành cơ chế tổ chức thực hiện hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất.

Vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 còn lại của 03 chương trình mục tiêu quốc gia chưa phân bổ, giao kế hoạch là 99.898,987 tỷ đồng gồm 7.942,139 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển, 91.956,848 tỷ đồng vốn sự nghiệp. Đối với vốn đầu tư phát triển, hiện đã có Tờ trình của Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân bổ số vốn còn lại cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương. Đối với vốn sự nghiệp, đến nay Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhận được đầy đủ văn bản của các bên liên quan và đang hoàn thiện phương án phân bổ để trình cấp có thẩm quyền.

Về tình hình phân bổ, giao kế hoạch và giải ngân vốn ngân sách trung ương, có 34/52 địa phương đã phân bổ 100% kế hoạch vốn được giao, 10/52 địa phương phân bổ trên 90% kế hoạch vốn được giao; 8/52 địa phương phân bổ trên 70% kế hoạch vốn được giao. Ước đến ngày 30/9/2022, các địa phương sẽ giải ngân được khoảng 926,831 tỷ đồng, đạt khoảng 3,86% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao.Về tình hình phân bổ, giao kế hoạch và giải ngân vốn ngân sách địa phương, có 46/63 địa phương báo cáo đã cân đối, bố trí 13.808,766 tỷ đồng; có 18/63 địa phương báo cáo kết quả giải ngân vốn khoảng 4.058,505 tỷ đồng, ước đạt 29,38% vốn địa phương.

Điểm cầu các tỉnh, thành phố tham dự phiên họp.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến nay, cả nước đã có 5.854 xã đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó 18 tỉnh có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, 925 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 110 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; bình quân cả nước đạt 17,1 tiêu chí/xã. Có 255 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố được công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 39,6% tổng số đơn vị cấp huyện của nhà nước. Có 05 tỉnh Nam Định, Đồng Nai, Hà Nam, Hưng Yên, Hải Dương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025, ước tỷ lệ hộ nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1 - 1,5%/năm, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3%/năm, tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 4 - 5%/năm.

Đại biểu tại điểm cầu Chính phủ.

Điều hành phiên họp, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh yêu cầu các bộ, ngành trung ương liên quan, các tỉnh, thành phố báo cáo, nêu rõ những khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân cụ thể đối với từng chương trình để tìm ra giải pháp hiệu quả, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn và triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia tại địa phương.

Đề cập đến khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia; lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết tiến độ xây dựng, trình ban hành và ban hành các văn bản quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia theo thẩm quyn của các bộ, ngành trung ương còn chậm so với tiến độ được giao. Việc lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư theo quy định Luật Đầu tư, Luật Xây dựng tại các cấp ở hầu hết các địa phương chưa hoàn thành. Đến hết tháng 9/2022, có 37/52 địa phương vẫn đang trong quá trình lựa chọn, phê duyệt dự án, chưa thực hiện và giải ngân vốn. Việc điều chỉnh phân bổ kinh phí sự nghiệp năm 2022 của 02 chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo chỉ tiêu giao chi tiết kinh phí sự nghiệp của Bộ Tài chính làm chậm tiến độ phân bổ, giao dự toán kinh phí sự nghiệp và triển khai thực hiện tại địa phương. Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, do giao kinh phí sự nghiệp chậm nên tới cuối tháng 9/2022 các địa phương mới hoàn thành việc phân bổ.

Phiên họp trực tuyến tới các tỉnh, thành phố.

Phát biểu tại phiên họp, lãnh đạo các tỉnh Cao Bằng, Quảng Ngãi, Điện Biên, Tây Ninh, Gia Lai, Tiền Giang, Ninh Thuận, Thừa Thiên Huế, Đắk Nông, Tuyên Quang, Quảng Nam, Kon Tum, Bình Phước, Thanh Hóa báo cáo thực trạng giải ngân vốn, triển khai các chương trình mục tiêu quốc tại địa phương đến hết tháng 09/2022; những khó khăn về căn cứ pháp lý thực hiện do một số bộ, ngành chưa ban hành văn bản hướng dẫn; thiên tai, lũ lụt, mưa nhiều, kéo dài; có chương trình lần đầu tiên ban hành nên chưa có nhiều kinh nghiệm thực hiện; quy trình, thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án, tiểu dự án còn phức tạp, mất nhiều thời gian; năng lực của cơ sở, cấp xã còn hạn chế; chậm phân bổ, cấp kinh phí, quy mô lớn nên khó có thể hoàn thành việc giải ngân kế hoạch vốn trước 31/12/2022…

Các tỉnh, thành cũng đề xuất trung ương tập trung hoàn thành việc ban hành các văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện nội dung, dự án thành phần thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia; cấp kinh phí cho dự án 2, dự án 3 Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; định mức hỗ trợ của dự án 1, dự án 9 Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; các bộ, ngành trung ương có kế hoạch giao vốn sớm cho địa phương; làm rõ khái niệm “trùng lắp” - “lồng ghép” để hiểu rõ, tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương thực hiện chương trình đúng quy định; nghiên cứu lại tỷ lệ vốn đối ứng của địa phương; đề nghị cho phép các địa phương kéo dài thời gian giải ngân vốn sang năm 2023;…

Đại diện các Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban Dân tộc… báo cáo làm rõ hơn và giải đáp kiến nghị của các địa phương về công tác ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện, đặc biệt là các văn bản liên quan đến Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và xây dựng nông thôn mới; công tác phân bổ vốn năm 2022 và 2023; điều chỉnh chỉ tiêu giao chi tiết kinh phí sự nghiệpviệc kéo dài thời gian giải ngân vốn từ năm 2022 sang năm 2023; sự phối hợp, liên kết giữa 03 chương trình mục tiêu quốc gia và nhiều vấn đề khác liên quan...

Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh kết luận phiên họp.

Kết luận phiên họp, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh nhấn mạnh trong 9 tháng đầu năm 2022, các bộ, ngành trung ương và địa phương trên cả nước đã đạt được những kết quả nhất định, trong đó có việc hoàn thiện các văn bản pháp lý cần thiết để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Tuy nhiên hiện nay vẫn còn 05 văn bản pháp lý Chính phủ đã giao nhiệm vụ nhưng chưa hoàn thành; do đó các bộ, ngành liên quan khẩn trương hoàn thiện việc ban hành các văn bản hướng dẫn này theo thẩm quyền ngay trong tháng 10/2022.

Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ yêu cầu các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện ngay nội dung của các chương trình mục tiêu quốc gia, không chờ đợi văn bản hướng dẫn của bộ, ngành trung ương; cần quyết liệt hơn trong triển khai các dự án, tránh dàn trải, manh mún để quản lý tốt; ban hành đầy đủ các văn bản pháp lý tới cấp huyện, cấp xã để có căn cứ triển khai thực hiện hiệu quả. Đồng chí cũng nghị các tỉnh, thành thảo luận, trao đổi tình hình, khó khăn, vướng mắc liên quan các chương trình mục tiêu quốc gia đến Đoàn Đại biểu Quốc hội để đại biểu có thêm tiếng nói, ý kiến về nội dung này tại kỳ họp Quốc hội sắp tới. Các bộ, ngành trung ương liên quan tiếp tục vào cuộc thực hiện hiệu quả các đề án, dự án thuộc lĩnh vực phụ trách.../.

Theo CTTĐT tỉnh Lào Cai
Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image
Đăng nhập

Bản quyền Cổng thông tin điện tử thị trấn Mường Khương là Cổng thành viên thuộc UBND huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai

Giấy phép số 06/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 01/3/2016

Cơ quan chịu trách nhiệm chính: Ủy ban nhân dân Thị trấn Mường Khương

Cơ quan thường trực Cổng TTĐT TT: Ủy ban nhân dân thị trấn Mường Khương, huyện Mường Khương

Email: ubtt-muongkhuong@laocai.gov.vn

Địa chỉ: Ngã 3 Na Khui, Thị trấn Mường Khương, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai 

Designed by VNPT

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1